Đề thi Vào 10 chuyên Đại học Khoa Học – Đại học Huế 2021
Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2021
Câu 1. (3,0 điểm)
Em hãy đọc trích đoạn văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Em sinh ra trong sự nâng niu, đón chờ của những người thân và nhiều hơn thế nữa. Tiếng khóc chào đời của em đã thắp thêm niềm hy vọng, niềm tin chiến thắng đại dịch cho những chiến sĩ áo trắng nơi đây. Dù cho ngoài kia, cả thế giới đang chao đảo vì cơn bão tử thần Covid-19, thì em ơi, cứ ngủ thật ngon lành bởi trong này bình yên lắm.
Em được chở che trong vòng tay ấm êm của những con người thầm lặng. Đó là những bác sĩ không quản ngày đêm hy sinh bản thân mình, hết lòng vì người bệnh. Tấm chắn giọt bắn lúc nào cũng đầy hơi nước vì không có cơ hội được bỏ ra, lưng áo ướt đẫm mồ hôi cho dù là đang giữa những ngày đông tháng giá. Đó là những người tự nguyện ở luôn trong bệnh viện, cả cái Tết đoàn viên cũng chẳng về nhà. Đó là cô y tá sẵn sàng gửi con nhỏ mới lên ba cho ông bà chăm sóc, và từng đêm, khi em quấy khóc, cô lại bế bồng và hát ru em câu hát “À ơi, con cò bay lả bay la…”
(Bức thư đạt giải Nhất cuộc thi viết thư Quốc tế UPU lần thứ 50 (năm 2021) của em Đào Anh Thư, theo vnpost.vn)
a, Dựa vào văn bản, hãy cho biết em bé được sinh ra trong vòng tay ấm êm của những con người thầm lặng nào? (0,5 điểm)
b, Chỉ ra một biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản trên. (0,5 điểm)
c, Cho biết mối quan hệ giữa các vế trong câu ghép sau: “Dù cho ngoài kia, cả thế giới đang chao đảo vì cơn bão tử thần Covid-19, thì em ơi, cứ ngủ thật ngon lành bởi trong này bình yên lắm”. (1,0 điểm)
d, Hình ảnh trong câu cuối của văn bản có khiến em rung động? Vì sao? (trả lời trong khoảng 3 – 5 dòng). (1,0 điểm)
Câu 2. (2,0 điểm)
“Cống hiến thầm lặng vì tình yêu”. Em hãy viết một bài văn nghị luận ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) về nội dung trên.
Câu 3. (5,0 điểm) Viết bài văn trình bày cảm nhận của em về hai khổ thơ sau:
Không có kinh không phải vì xe không có kinh
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
Không có kính, rồi xe không có đèn,
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim.
(Phạm Tiến Duật, Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr.131-132)
….………….Hết………
Đáp án đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2021
Câu 1.
a, Theo đoạn trích, em bé được sinh ra trong vòng tay ấm êm không chỉ của người thân mà còn của những con người thầm lặng. Đó là những vị bác sĩ không quản ngày đêm hi sinh thân mình, hết lòng vì người bệnh. Đó là những người tự nguyện ở lại bệnh viện đến Tết đoàn viên cũng chẳng về nhà. Đó là những cô y tá sẵn sàng gửi con nhỏ để từng đêm khi em khóc lại vỗ về âu yếm.
b, – Biện pháp điệp từ: “Đó là”
– Tác dụng:
+ Tạo nhịp điệu cảm xúc cho đoạn văn
+ Nhấn mạnh sự hi sinh của những con người thầm lặng.
c, Mối quan hệ giữa các vế câu ghép: “Dù cho ngoài kia, cả thế giới đang chao đảo vì cơn bão tử thần Covid – 19, thì em ơi, cứ ngủ thật ngon lành bởi trong này bình yên lắm” là quan hệ tương phản.
d, Học sinh có thể trình bày theo cảm xúc của mình. Đảm bảo tính hợp lý, đúng đắn. Có lý giải.
Gợi ý:
– Hình ảnh trong câu cuối cùng là hình ảnh của nữ y tá sẵn sàng gửi đứa con còn nhỏ cho ông bà để ở lại bệnh viện, hết lòng vì bệnh nhân.
– Đó là hình ảnh của tình người trong cơn hoạn nạn, là hình ảnh của sự hi sinh từ những con người thầm lặng.
– Thông qua đây, chúng ta càng thêm trân trọng, biết ơn những cống hiến, hi sinh thầm lặng ấy.
Câu 2.
- Giới thiệu vấn đề nghị luận: Cống hiến thầm lặng vì tình yêu
- Bàn luận, phân tích
- Giải thích vấn đề nghị luận
– Cống hiến: là tự nguyện dâng hiến công sức của mình, đóng góp sức mình cho cộng đồng, xã hội.
– Cống hiến thầm lặng là gì?
-> Cống hiến là một đức tính cao đẹp có trong tâm trí con người. Sự cống hiến luôn ẩn chứa đức hy sinh vì một tình yêu mà con người muốn dâng hiến theo sự mách bảo của trái tim…
- Bàn luận về vấn đề nghị luận
– Cống hiến là lối sống tích cực và thế hệ cần rèn luyện, tu dưỡng và trau dồi.
– Lối sống cống hiến của thế hệ trẻ thể hiện ở việc sẵn sàng đem hết trí tuệ, tài năng của bản thân phục vụ lợi chung, vì sự phát triển chung.
– Trong thời đại ngày nay, thế hệ trẻ Việt Nam vẫn không ngừng nỗ lực, cố gắng để cống hiến hết mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước (những thanh niên xung kích, những thầy cô giáo trẻ,…).
– Dẫn chứng: Những chiến sĩ thầm lặng cống hiến cho cuộc sống tươi đẹp hơn, đội ngũ y bác sĩ trong tuyến đầu chống dịch COVID-19,
– Ý nghĩa của sự cống hiến thầm lặng:
- Thanh niên mang sức trẻ, sự nhiệt tình cống hiến hết mình cho đất nước sẽ khiến cho đất nước giàu mạnh, bền vững và không ngừng phát triển.
- Cống hiến cho đất nước cũng cho thấy tinh thần trách nhiệm của bản thân với sự nghiệp chung.
- Cống hiến cho đất nước còn giữ gìn truyền thống tốt đẹp của cha ông: cha ông đã bảo vệ tổ quốc khỏi kẻ thù, thế hệ trẻ cống hiến xây dựng đất nước.
- Lối sống cống hiến sẽ giúp thế hệ trẻ khẳng định giá trị của bản thân và phát huy hết vai trò là những chủ nhân tương lai của đất nước.
- Phản đề
– Bên cạnh đó có 1 bộ phận thanh niên chưa xác định được tinh thần cống hiến, còn ích kỷ, chỉ biết đến bản thân mình
- Rút ra bài học nhận thức và hành động đối với thế hệ trẻ đối với lối sống cống hiến.
Câu 3.
Gợi ý
- Mở bài:
– Giới thiệu tác giả: Phạm Tiến Duật là nhà thơ lớn, có nhiều sáng tác, trưởng thành trong đội ngũ các nhà thơ thời kháng chiến chống Mĩ.
– Giới thiệu tác phẩm: “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” được sáng tác năm 1969 và được in trong tập Vầng trăng quầng lửa năm 1970 – Đoạn thơ đầu và đoạn cuối là những đoạn thơ đặc sắc làm nổi bật hình tượng người lính lái xe.
- Thân bài
- 4 câu thơ đầu:
Không có kinh không phải vì xe không có kính
….
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
– Chiến tranh khiến cho chiếc xe không còn kính, bị biến dạng, tái hiện chân thực nhất hình ảnh của cuộc chiến tranh chống Mĩ khốc liệt.
– Động từ “giật”, “rung” cùng với từ “bom” được nhấn mạnh hai lần càng làm tăng sự khốc liệt của chiến tranh
-> Hai câu thơ đầu giải thích nguyên nhân đồng thời phản ánh mức độ khốc liệt của chiến tranh.
– Hình ảnh người lính lái xe với tư thế hiên ngang, ngang tàng dù thiếu đi những phương tiện chiến đấu tối thiểu: Ung dung buồng lái ta ngồi, Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
-> Tính từ ung dung đặt ở đầu câu nhấn mạnh tư thế chủ động, coi thường mọi khó khăn, nguy hiểm của các chiến sĩ lái xe.
– Người lái xe bộc lộ những phẩm chất cao đẹp, sức mạnh lớn lao đặc biệt là sự dũng cảm, hiên ngang của họ.
> Khổ thơ tái hiện sự khốc liệt của chiến tranh và phẩm chất anh hùng, hiên ngang của người chiến sĩ lái xe.
- 4 câu thơ cuối:
Không có kính, rồi xe không có đèn,
….
Chỉ cần trong xe có một trái tim.
– Bài thơ khép lại với bốn câu thơ thể hiện ý chí sắt đá của những người lính – Miền Nam chính là động lực mạnh mẽ nhất, sâu xa nhất tạo nên sức mạnh phi thường của người lính cách mạng
– Với biện pháp liệt kê, điệp từ “không có” diễn tả mức độ khốc liệt ngàng càng tăng của chiến trường – Đối lập với những cái “không có” chỉ cần có một trái tim” đã làm nổi bật sức mạnh, ý chí ngoan cường của người lính lái xe.
– Hình ảnh trái tim là một hoán dụ nghệ thuật đẹp đẽ và đầy sáng tạo, khẳng định phẩm chất cao quý của các chiến sĩ lái xe trên đường ra tiền tuyến lớn. Các anh xứng đáng với truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc Việt Nam; tiêu biểu cho chủ nghĩa yêu nước của thế hệ thời đánh Mĩ.
- Đánh giá chung
Hai khổ thơ đầu và cuối tác phẩm chính là những minh chứng tiêu biểu cho những khó khăn nơi chiến trường và thể hiện tinh thần hiên ngang của người lính, lòng yêu nước cháy bỏng của người bộ đội cụ Hồ trong cuộc chiến khốc liệt.
- Kết bài
– Bài thơ về Tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật là tác phẩm đậm chất trữ tình cách mạng. Nhà thơ đã khắc hoạ hình ảnh các chiến sĩ lái xe Trường Sơn bằng tình cảm mến yêu và cảm phục chân thành.
– Hai khổ thơ đã khắc họa rõ nét vẻ đẹp của người lính lái xe và hình tượng những chiếc xe không kính trong bom đạn khốc liệt nói lên phẩm chất cao đẹp của thế hệ trẻ trong kháng chiến chống Mỹ.