[Học văn 6 KNTT] Phân tích bài thơ “Con chào mào”
Nhắc đến Mai Văn Phấn là nhắc đến một nhà thơ có duyên với thiên nhiên, hòa đồng, đằm sâu trong thiên nhiên. Ông còn được coi là nhà thơ của sinh thái, giàu sắc màu vũ trụ. Bài thơ “Con chào mào” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Mai Văn Phấn thể hiện đầy đủ tinh thần này. Với thể thơ tự do, cấu tứ thơ lạ, xây dựng hình tượng con chào mào là trung tâm của bài thơ, tác giả giúp người đọc cảm nhận bức tranh thiên nhiên trong sáng, khoáng đạt, thanh bình qua vẻ đẹp của con chim chào mào và tiếng chim trong trẻo. Từ đó, bài thơ mở ra một quan niệm mới mẻ về tình yêu thiên nhiên , đó là thái độ tôn trọng, qua cách ứng xử của con người với thiên nhiên.
Mở đầu bài thơ, thi sĩ khắc họa hình tượng con chim chào mào với lối đặc tả gần, khá kĩ:
Con chào mào đốm trắng mũ đỏ
Hót trên cây cao chót vót
triu… uýt… huýt… tu hìu…
Chỉ bằng vài nét vẽ, hình ảnh chú chim chào mào hiện lên vô cùng chân thực, người đọc như đang được nhìn ngắm hình tướng của nó trong một cự li gần nhất. Trước mắt người đọc là hình ảnh chú chim chào mào với những chiếc lông có đốm trắng, cái mào màu đỏ rực đang say sưa hót líu lo trên cành cao. Tác giả đồng thời đặt định vị trí “Hót trên cây cao chót vót” của “nhân vật” này. Hai câu thơ đã mở ra một khung cảnh thanh bình, có thể đó là ban mai trong suốt hoặc hoàng hôn ráng vàng, thanh tịnh. Nó mang đến cho bạn đọc cảm giác yên bình về một khoảng không thiên nhiên thanh sạch, mướt xanh.
Câu thơ thứ ba của khổ thơ này vang lên như một bản ký xướng âm giọng chim đầy thú vị: “triu… uýt… huýt… tu hìu…”. Mỗi lần đọc câu thơ ta như nghe được trực tiếp chuỗi tiếng hót của con chim. Ở đây, tác giả đã ghi lại từng nốt nhạc để sắp đặt trọn vẹn một câu thơ mang giọng chim. Mỗi “nốt nhạc” đều tạo nên giai điệu có độ rung vang khác thường: “triu… uýt… huýt… tu hìu…”. Đây không chỉ đơn thuần là tiếng hót huyền diệu của con chào mào, mà là tiếng vọng của thiên nhiên trong khoảng không kì vĩ, bí ẩn. Sự vang vọng của câu thơ thứ ba này được phát ra từ hình ảnh “đốm trắng mũ đỏ” và “cây cao chót vót” ở trên. Ba câu thơ đầu tạo một bức tranh tràn đầy âm thanh, ánh sáng. Với hình ảnh thơ chân thực, sống động, ngôn từ cô đọng, hàm súc (bút pháp tả thực), nhà thơ phác họa hình tượng chào mào tuyệt đẹp, là biểu tượng của thiên nhiên trong trẻo, sống động đến vô cùng.
Khi nhìn thấy hình ảnh con chim chào mào, nhà thơ có cảm xúc và suy nghĩ ra sao ? Từ khổ thơ thứ hai mở ra những suy nghĩ của nhà thơ trong không gian tâm tưởng:
Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ
Sợ chim bay đi
Vừa vẽ xong nó cất cánh
Tôi ôm khung nắng, khung gió
Nhành cây xanh hối hả đuổi theo
Bất chợt, khi nhìn thấy con chim, cùng là lúc trong tâm hồn thơ Mai Văn Phấn có những khoảnh khắc ý nghĩ rất đời thường mà cũng rất thơ: “Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ/ Sợ chim bay đi”. Nhà thơ đã nghĩ phải nhanh chóng vẽ chiếc lồng cho con chào mào. Có người đặt ra vấn đề “chiếc lồng” của ông được đan bện bằng tưởng tượng với mục đích kìm giữ, nhốt “con chào mào” kia chăng? Không! Chiếc lồng của nhà thơ tượng trưng cho khát vọng sở hữu thiên nhiên, phô bầy cái đẹp của riêng ông. Và nỗi “sợ chim bay đi” chính là nỗi lo cái đẹp biến/ vuột mất. Câu thơ này cho thấy, tác giả khao khát mở rộng “chiếc lồng” của ông thành không gian bất tận, muốn để tâm hồn mình bao trùm cả thiên nhiên rộng lớn cho con chào mào khoe sắc và cất tiếng tự do.
Và trong khoảnh khắc “Vừa vẽ xong nó cất cánh” thì dường như nhà thơ và con chào mào hóa thân vào nhau. “Tôi ôm khung nắng, khung gió/ Nhành cây xanh hối hả đuổi theo”. Đây là cuộc đuổi bắt ngoạn mục làm hiển lộ vẻ đẹp của con chim và tâm thế của tác giả. Cái “khung nắng, khung gió” và cả “nhành cây xanh” kia chính là chiếc lồng mà nhà thơ đã vẽ ra trong ý nghĩ ở khổ thơ thứ hai. Hành động “đuổi theo” con chim lúc này cho thấy vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ được cất cánh, thăng hoa.
Trong vô tăm tích tôi nghĩ
Lát nữa chào mào sẽ mổ những con sâu
Trái cây chín đỏ
Từng giọt nước
Thanh sạch của tôi
Khi không còn thấy tăm tích con chim chào mào, nhân vật “tôi” đã hình dung ra con chim chào mào đang mổ những “con sâu, trái cây chín, giọt nước thanh sạch” của tôi. Khổ thơ này khắc họa khá đầy đủ đời sống sinh động của con chào mào. Nó thường ăn những con sâu, trái cây chín, uống nước… Đó chính là một cách “chuộc lỗi” khi con người hiểu ra rằng con chim chào mào mình yêu quý sẽ chỉ hạnh phúc trong cuộc sống tự do, tự nhiên giữa thiên nhiên.,…Từ đó, nhà thơ bộc lộ tình yêu thiên nhiên thực sự và trọn vẹn của mình.
triu… uýt… huýt… tu hìu…
Dòng thơ “triu… uýt… huýt… tu hìu…” được lặp lại 2 lần trong bài thơ. Nhà thơ nhấn mạnh điệp khúc những thanh âm của thiên nhiên, tiếng hót trong trẻo của con chào mào lại vang lên lần nữa ở cuối bài thơ. Chuỗi âm thanh được nhắc lại trọn vẹn như từng cất lên lần đầu, nhưng bạn đọc lại cảm nhận “con chào mào” đã đi qua một hành trình, từ đơn lẻ tới hòa nhập, từ âm vực có phần lảnh lót, chói gắt đến phối bè, vang vọng.
Chẳng cần chim lại bay về
Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ.
Hai câu thơ kết khẳng định sự thay đổi trong ý nghĩ, cảm xúc, trong tình yêu thiên nhiên của nhà thơ. Chẳng cần con chào mào bay về nữa, tiếng hót du dương của nó vẫn vang vọng trong tâm hồn ông. Bởi vì nhân vật “tôi” biết ứng xử với thiên nhiên bằng sự tôn trọng và tình yêu chứ không phải bằng mong muốn “độc chiếm”, ích kỉ, hẹp hòi. Tình yêu khiến cho tâm hồn người ta rộng mở, phong phú, tràn đầy niềm vui và sức sống…
Tóm lại , bài thơ “Con chào mào” là một bài thơ đặc sắc. Về nghệ thuật, bài thơ thành công với thể thơ tự do, có những câu thơ lặp lại hoàn toàn gợi âm thanh thiên nhiên với nhiều âm vực ngân vang, hình ảnh thơ chân thực, giàu sức gợi, cấu tứ bài thơ lạ, kết thúc mở tạo nhiều dư âm trong lòng người đọc. Qua đó, Mai Văn Phấn giúp người đọc cảm nhận được bức tranh thiên nhiên trong sáng, khoáng đạt, thanh bình qua vẻ đẹp của con chim chào mào và tiếng chim trong trẻo. Tình yêu thiên nhiên của tác giả được thể hiện qua thái độ tôn trọng, qua cách ứng xử của con người với thiên nhiên. Bài thơ bồi đắp cho ta tình yêu thiên nhiên và mỗi chúng ta cần suy ngẫm về thái độ ứng xử với thiên nhiên.
[Văn 6 KNTT] Thuyết minh về lễ hội trăng rằm quê em
Đề bài : Thuyết minh về một Lễ hội trăng rằm mà em đã được tham gia và để lại trong em nhiều ấn tượng.
Tuổi thơ, ai cũng mong chờ đến trung thu để được tham gia Lễ hội trăng rằm, đây là lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc. Lễ hội diễn ra hàng năm vào ngày 15 tháng 8 âm lịch. Trong tiết trời dịu mát của tiết thu, dưới ánh trăng vằng vặc của ngày rằm, hội trăng rằm diễn ra khắp mọi miền quê, ngõ phố. Ngày Tết trung thu năm ngoái, em đã được tham gia Lễ hội trăng rằm với nhiều hoạt động vô cùng ý nghĩa ngay tại sân vận động xã nhà. Chương trình của Lễ hội trăng rằm gồm nhiều hoạt động như: thi đội hình đội ngũ, thi trại thu, văn nghệ và trò chơi dân gian, rước đèn phá cỗ.
Để chuẩn bị cho Lễ hội trăng rằm của xã nhà, chúng em đã được tập đội hình đội ngũ, tập văn nghệ trước khoảng 10 ngày. Các hoạt động ấy diễn ra vào các buổi tối do các anh chị thanh niên, các cô bác trong thôn xóm hướng dẫn. Từ chiều ngày 15/8, từng xóm thôn nô nức kéo về sân vận động, mỗi xóm sẽ cắm trại, trang trí trại thu cho chi đội mình. Không khí rất đông vui náo nhiệt. Mỗi trại sẽ có mâm ngũ quả, ảnh Bác Hồ, cờ đỏ sao vàng, và nhiều tranh ảnh, đèn nháy trang trí rất đẹp mắt. Chúng em được bố mẹ, các anh chị phụ trách, các cô bác trong xóm hỗ trợ việc cắm trại, khâu trại và trang trí theo cách riêng của mỗi xóm.
Buổi chiều ngày 15/8 Lễ hội trăng rằm được khai mạc tại sân vận động đặt ở trung tâm xã. Sau phần chào cờ trang trọng, cô Mai là người dẫn chương trình cho lễ hội. Theo lời giới thiệu của cô, anh Bình bí thư đoàn xã lên khai mạc lễ hội trăm rằm trung thu 2020. Đầu tiên là chương trình phát quà tặng cho những bạn thiếu nhi chăm ngoan, học giỏi có hoàn cảnh khó khăn. Tiếp theo là hội thi đội hình đội ngũ. Có 10 chi đội thi, đội nào tập đều, đẹp nhất sẽ giành phần thắng. Chi đội em năm nào cũng dẫn đầu phần thi nghi thức vì tác phong tập đội ngũ của chúng em dứt khoát, mạnh mẽ, và đẹp mắt. Sau phần thi nghi thức là trò chơi dân gian. Lúc đó, mặt trời ngả bóng, không khí mát mẻ, những trò chơi dân gian được diễn ra. Nào là nhảy bao, bịt mắt đánh trống, kéo co…Tiếng cổ vũ vang lên náo nhiệt.
Lễ hội trăng rằm diễn ra đúng vào đêm trăng rằm tháng 8. Đúng 19h Lễ hội trăng rằm mới thật sự bắt đầu. Từ các ngả đường, các em nhỏ được bố mẹ cho đến tham gia Tết trung thu. Đi bộ dưới ánh trăng trong vắt của ngày rằm trung thu là một trải nghiệm tuyệt vời. Vầng trăng xinh tươi, tròn trịa buông ánh sáng lên vạt vật. Con đường làng, cánh đồng, dòng sông cũng đầy ánh trăng. Vui nhất là em được cùng bố, mẹ dẫn đi chơi trung thu.
Sau đó là phần thi văn nghệ của từng thôn xóm. Trong hội thi văn nghệ, các bạn nhỏ ở từng xóm thôn thi nhau trổ tài. Đội thì diễn kịch vui vẻ, hài hước. Đội lại trổ tài hát ca, ca ngợi công ơn với Bác Hồ kính yêu. Đội lại múa những điệu múa dân gian như trống cơm, cò lả…Vui không kể xiết. Nhưng ấn tượng nhất là các tiết mục ca hát, nhảy múa vui tươi của các em trường mầm non. Mỗi tiết mục khi mở đầu hay kết thúc đều được đón nhận những tràng pháo tay giòn giã. Khuôn mắt ai nấy đều vui vẻ, mọi mệt mỏi tan biến. Nhất là các bạn được tham gia biểu diễn văn nghệ, các bạn giống như những nghệ sĩ thực sự, trổ tài cho mọi người xem.
Tiếp theo là phần thi trại thu. Thiếu niên sẽ xếp hai hàng trước trại, ăn mặc chỉnh tề, vỗ tay đều nhịp chào đón ban giám khảo đến chấm trại thu. Trại thu nào cũng đẹp . Trại xóm nào cũng được trang trí hết sức cầu kì đẹp mắt. Nào là đèn kéo quân lấp ló ẩn hiện cảnh đồng quê; nào là đèn nháy lung linh nhấp nháy liên tiếp theo nhịp trống; nào là đèn màu xanh đỏ leo lên leo xuống, thi nhau thắp lên tạo ra những sắc màu rực rỡ. Trại thì được trang trí hình bụi tre xanh, trại thì bông lúa vàng, búp măng non… Trại nào cũng đẹp. Chỉ nhìn ngắm trại thu thôi, tôi đã thấy quê em đẹp thế nào rồi.
Sau đó, chúng em được tham gia lễ hội rước đèn và phá cỗ xem trăng. Tiết mục múa lân do các anh chị lớp 9 của trường biểu diễn vô cùng vui nhộn. Tiếng trống Tùng! Tùng! Rinh! Rinh mà tim em đập rộn ràng. Sau đó, chúng em được ăn bánh trung thu, hoa quả của mùa thu. Bưởi, hồng, chuối…được bố mẹ chuẩn bị để các bạn được ăn cùng nhau. Vui thật vui.
Trăng lên cao hơn, đêm hội trăng rằm cũng khép lại. Mọi người tản ra để trở về nhà. Ai nấy đều vô cùng háo hức. Nhất là các bạn nhỏ. Tham gia Lễ hội trăng rằm không chỉ làm giàu có truyền thống văn hóa dân tộc, mà đây còn là dịp để toàn xã hội quan tâm tới thiếu nhi. Em mong Lễ hội trăng rằm được duy trì và phát triển để tuổi thơ của chúng em thêm ý nghĩa.