Bài soạn lớp 6: Ông lão đánh cá và con cá vàng

Bài soạn lớp 6: Ông lão đánh cá và con cá vàng

Tìm hiểu chung tác phẩm

  • Tác giả: A. Puskin: (1799 – 1837) đại thi hào của nền văn học nước Nga và thế giới.
  • Tác phẩm: Sáng tác năm 1833, được xây dựng từ một truyện cổ tích Nga quen thuộc… nhưng có sự sáng tạo của Puskin.
  • Thể loại: Truyện cổ tích của A. Puskin
  • Bố cục: 3 phần
    • Phần 1: từ đầu đến “vợ ở nhà kéo sợi” =>Giới thiệu truyện: nhân vật và hoàn cảnh.
    • Phần 2: Tiếp theo đến “ý muốn của mụ”. =>Diễn biến truyện: Ông lão đánh cá bắt được cá và thả cá. Cá nhiều lần đền ơn cho vợ chồng ông lão.
    • Phần 3: Còn lại => Kết thúc truyện: Vợ chồng ông lão trở lại cuộc sống nghèo khổ.
  • Tóm tắt tác phẩm:

Ông lão đánh cá và con cá vàng kể về câu chuyện một ông lão nghèo làm nghề đánh cá ngoài biển. Một hôm, ông đi ra biển, lần thứ nhất ông kéo lưới, vớt lên ông chỉ thấy có bùn. Lần tiếp theo ông kéo lưới cũng chỉ thấy rong rêu. Vào lần thứ ba, ông lão tiếp tục kéo lưới và bắt được một con cá vàng. Lúc đó, cá vàng tha thiết van xin ông lão  thả ra và hứa sẽ trả ơn cho ông, thương chú cá, ông lão thả cá trở lại về với biển.

Về nhà, ông lão kể lại chuyện thả cá vàng cho mụ vợ nghe. Mụ mắng lão một trận và năm lần bắt ông lão ra biển, đòi cá vàng đáp ứng hết yêu cầu này đến yêu cầu khác ngày càng quá đáng của mụ:

Lần thứ nhất mụ đòi cá giúp cho một chiếc máng lợn mới.

Lần thứ hai, mụ vợ lại “quát to hơn” và bắt ông lão ra biển đòi cá vàng một cái nhà rộng.

Lần thứ ba, mụ vợ lại “mắng như tát nước vào mặt” ông lão và đòi làm một bà nhất phẩm phu nhân.

Lần thứ tư, mụ vợ lại “mắng lão một thôi” và đòi cá cho làm nữ hoàng.

Lần thứ năm, mụ muốn làm Long Vương để bắt cá vàng hầu hạ.

Tức giận trước yêu cầu quá đáng đó, cá vàng lấy lại mọi thứ đã ban cho. Khi ông lão từ biển trở về thì thấy trước mắt mình là túp lều tranh rách nát ngày xưa, còn mụ  vợ thì đang ngồi trên bậc cửa trước cái máng lợn sứt mẻ.

Câu 1: Trong truyện, mấy lần ông lão ra biển gọi cá vàng? Việc kể lại những lần ông lão …

Trong truyện, mấy lần ông lão ra biển gọi cá vàng? Việc kể lại những lần ông lão ra biển gọi cá vàng là biện pháp lặp lại có chủ ý của truyện cổ tích. Hãy nêu tác dụng của biện pháp này.

Trả lời:

Trong truyện, ông lão năm lần ra biển gọi cá vàng để đòi theo yêu cầu của mụ vợ:

  • Lần 1: đòi máng lợn mới.
  • Lần 2: đòi ngôi nhà đẹp.
  • Lần 3: đòi làm nhất phẩm phu nhân.
  • Lần 4: đòi làm nữ hoàng.
  • Lần 5: đòi làm Long Vương bắt cá vàng hầu hạ.

=>Tác dụng của biện pháp lặp lại có chủ ý của truyện cổ tích là làm nổi bật tâm lí nhân vật  và chủ đề tác phẩm.

Câu 2: Mỗi lần ông lão ra biển gọi cá vàng, cảnh biển thay đổi như thế nào? Vì sao?

Trả lời:

Mỗi lần ông lão ra biển gọi cá vàng, cảnh biển có sự thay đổi khác nhau:

  • Lần 1 : yêu cầu cái máng lợn ăn – biển gợn sóng êm ả.
  • Lần 2 : yêu cầu có tòa nhà đẹp – biển xanh đã nổi sóng.
  • Lần 3 : yêu cầu thành bà nhất phẩm phu nhân – biển nổi sóng dữ dội. Lần 4 : yêu cầu thành nữ hoàng – biển nổi sóng mù mịt.
  • Lần 5 : yêu cầu làm Long Vương – biển nổi sóng ầm ầm.

Như vậy, cảnh biển luôn thay đổi tương ứng với lòng tham tăng tiến của mụ vợ và tượng trưng cho thái độ rõ ràng của nhân dân trước lòng tham giàu sang phú quý.

Câu 3: Em có nhận xét gì về lòng tham và sự bội bạc của nhân vật mụ vợ? …

Em có nhận xét gì về lòng tham và sự bội bạc của nhân vật mụ vợ? Sự bội bạc của mụ vợ đối với chồng đã tăng lên như thế nào? Khi nào sự bội bạc của mụ đi tới tột cùng?

Trả lời:

Lòng tham và sự bội bạc của bà vợ là không đáy và quá quắt.

Qua 5 lần đòi hỏi cá vàng phải đáp ứng thì lần đầu là một đòi hỏi chính đáng. Lần 2 cũng chính đáng nhưng cá vàng đã hiểu được cái xu thế tất yếu của lòng tham nên biển xanh êm ả đã nổi sóng. Ba yêu cầu sau thật là quá quắt, nó gắn với sự bội bạc vì vậy mà cảnh tượng của biển mỗi lúc một dữ dội, mù mịt, rồi ầm ầm.

Sự bội bạc của nhân vật mụ vợ đối với chồng cũng theo đó tăng lên:

  • Lần 1: Mắng ông lão”đồ ngốc”.
  • Lần 2: Quát to “đồ ngu”.
  • Lần 3: Mắng như tát nước vào mặt
  • Lần 4: giận dữ tát “mày….”
  • Lần 5: Nổi cơn thịnh nộ…

Đến lần thứ năm sự bội bạc của mụ vợ đi tới tột cùng. Mụ có ý định bắt cá vàng là kẻ cho mình đạt tất cả các yêu cầu giàu sang và địa vị, để phục vụ cho lòng tham, sự bội bạc không cùng của mụ.

Rõ ràng lần thứ mụ không chỉ bội bạc chồng (người xứng đáng được hưởng những đặc ân của cá vàng) mà mụ vợ bội bạc với cả ân nhân đó chính là cá vàng.

Soạn Văn 6 Ngôi Kể Trong Văn Tự Sự

Câu 4: Câu chuyện đã được kết thúc như thế nào? Ý nghĩa của cách kết thúc đó?

Trả lời:

Câu chuyện đã được kết thúc khi ông lão trở về nhà nhìn thấy mụ vợ và cái máng lợn sứt mẻ. Đây là cách kết thúc truyện độc đáo, theo lối vòng tròn không có hậu.

Nhân vật được đưa về với điểm xuất phát của chính mình: Với ông lão, việc trở về cuộc sống bình thường hẳn sẽ tốt hơn rất nhiều. Còn với mụ vợ, con người không có chút công lao gì với cá vàng mà lại đòi hỏi quá nhiều thì việc mất hết những gì mụ đã có là một sự trừng phạt đích đáng cho thói tham lam vô độ và sự bội bạc.

Câu 5: Cá vàng trừng trị mụ vợ vì tội tham lam hay bội bạc,…

Cá vàng trừng trị mụ vợ vì tội tham lam hay bội bạc, nêu ý nghĩa tượng trưng của hình tượng con cá vàng.

Trả lời:

Cá Vàng trừng trị mụ vợ cả sự tham lam và bội bạc. Tuy nhiên hai điều nay là một nguyên nhân và kết quả của nhau.

Hình tượng cá vàng chính là công lí của nhân dân, là thái độ của nhân dân với những người nhân hậu và những kẻ tham lam, bội bạc.

[Luyện tập] Câu 1: Có người cho rằng truyện này nên đặt tên là “Mụ vợ ông lão đánh cá và con cá vàng”. Ý kiến của em như thế nào?

Trả lời:

Theo em, không nên đặt nhan đề của truyện là “Mụ vợ ông lão đánh cá và con cá vàng” vì:

  • Tên nhan đề hơi dài và cảm thấy đọc kém suôn mạch.
  • Mụ vợ ông lão đánh cá là nhân vật chính, triển khai theo mạch mức độ tăng tiến theo những đòi hỏi vô lý của mụ nhưng sự đối thoại trực tiếp trong truyện là ông lão- con cá.
  • Câu chuyện tô đậm lòng tốt, tính thiện của con người.

Soạn Văn 6 Danh Từ