Thuyết minh về món bún bò Huế Văn 8 2022
Ôn Toán Cấp 3
. Mở bài
- Giới thiệu chung: Mỗi vùng quê trên đất nước ta đều có đặc sản của quê mình.
Ví dụ: Huế có mè xửng, cơm hến, Quảng Nam có mì Quảng, Hà Nội có phở.
- Giới thiệu về đặc sản của quê hương.
2. Thân bài
- Nguồn gốc của món ăn: Món ăn xuất hiện khi nào, công thức đầu tiên do ai nghĩ ra…
- Cách làm món ăn: Nguyên liệu, cách chế biến, cách nấu…
- Giá trị của món ăn đối với nền ẩm thực Việt Nam: nét văn hóa độc đáo, phong phú cho ẩm thực Việt…
- Kết bài
– Cảm nhận nói chung về đặc sản của quê hương.
Thuyết minh về món bún bò Huế
Từ lâu, vùng đất cố đô Huế đã hình thành một không gian văn hoá ẩm thực độc đáo, tinh tế, có sức hấp dẫn mạnh mẽ. Các món ăn kiểu Huế khá cầu kì do chịu ảnh hưởng của văn hoá cung đình và kiểu cách của con người xứ Huế, chú trọng thưởng thức chứ không cốt để ăn cho no, bữa ăn hoặc bữa tiệc, cổ bàn được trình bày mỗi món một chút chút chứ không bày thịnh soạn, la liệt. Bản sắc ẩm thực Huế đã lan toả khắp cả nước với những món ăn đậm đà chất Huế như bún bò Huế, bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc, bánh in, cơm hến, chè đậu ván, chè đậu xanh, chè bột lọc (bày bán bình dân ở hẻm đường), bia Huda… Trong đó, bún bò Huế là món ăn có sức phổ biến rộng rãi nhất, trở thành đặc trưng văn hoá ẩm thực Huế.
Bún bò là một trong những đặc sản của xứ Huế, mặc dù món bún này phổ biến trên cả ba miền ở Việt Nam và cả người Việt tại hải ngoại. Bún bò Huế xưa ra đời từ thời chúa Nguyễn Hoàng (khoảng thế kỷ thứ 16). Tương truyền, xưa có cô gái ở làng Vân Cù (nay thuộc thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) xinh đẹp, giỏi giang, thạo nghề đã sáng tạo ra cách chế biến một món ăn mới: Lấy thịt bò nấu thành nước dùng cho món bún. Từ đó, món bún bò ra đời, được lưu giữ và phát triển qua nhiều thế hệ.
Tại Huế, món này được gọi đơn giản là “bún bò” hoặc gọi cụ thể hơn là “bún bò thịt bò“. Các địa phương khác gọi là “bún bò Huế”, “bún bò gốc Huế” để chỉ xuất xứ của món ăn này. Món ăn có nguyên liệu chính là bún, thịt bắp bò, giò heo, chả Huế, nạm bò,… cùng nước dùng có màu đỏ đặc trưng và vị sả và ruốc. Đôi khi tô bún còn được thêm vào thịt bò tái, chả cua, và các loại nguyên liệu khác tùy theo sở thích của người nấu. Người ăn có thể ăn theo sở thích của mình. Nếu muốn thưởng thức vị thanh tao của nước lèo và hương vị thịt bò, hãy ăn món tái. Nếu muốn hoà mình trong hương vị nồng nàn của hương quế, cái thơm ngon của chả Huế, để thịt bò thắm đượm trong miệng khi ăn, hãy gọi món nạm hoặc gàu gân.
Trong nước dùng của bún, người Huế thường nêm vào một ít mắm ruốc, góp phần làm nên hương vị rất riêng của nồi bún bò Huế. Sau khi xương bò được hầm chín tới, người ta thường thêm vào một ít chả heo hay chả cua được quết nhuyễn. Thịt bò có thể được cắt mỏng, nhúng vào nước dùng đang sôi trước khi cho vào tô bún (gọi là thịt bò tái). Người ta cũng thường cho thêm một ít ớt bột và gia vị vào tô bún rồi ăn với rau sống gồm giá, rau thơm, xà lách, rau cải con, bắp chuối cắt nhỏ.
Bún bò nấu chuẩn vị và ngon miệng, yếu tố quyết định trước hết nằm ở quá trình nấu nước dùng, cũng như chọn lựa sợi bún sao cho phù hợp, tươi ngon nhất. Với nước dùng, tiêu chuẩn chung là phải ngọt, trong – mang vị thanh dịu của xương thịt hầm đúng độ. Bên cạnh đó, tô bún bưng ra hấp dẫn được thực khách, còn phụ thuộc vào sợi bún. Nguyên liệu bún nấu luôn là loại bún tươi sợi lớn, trắng trơn, dai ngon. Bún Huế ‘cổ điển’ được ưa chuộng chính bởi bí quyết kết hợp nhào bột gạo chung với ít bột lọc; giúp cho từng sợi bún thành hình có tính dai dẻo đặc thù, sắc trắng sáng tự nhiên, không đục màu. Khi ăn, nhâm nhi miếng bún, người thưởng thức dễ thấy ngay cái mềm mại, bùi ngon nhưng không hề gây ngán. Có được nước dùng cùng với sợi bún “chất lượng.” là đã đủ 7 trên 10 thành tố tạo nên sản phẩm bún bò Huế ngon đúng điệu. Gia vị truyền thống, ruốc, sả, dầu điều, tiết canh, ớt, rau thơm, giá trộn ăn kèm tươi sống – thêm vào lượng vừa phải; đóng vai trò quan trọng còn lại, góp phần hoàn thiện và làm tròn đầy giá trị của tô bún dân dã mà quyến rũ về phong vị.
Người Huế có thể ăn bún bò mọi lúc, cho mọi bữa trong ngày. Nhưng cái thú, cũng được xem như một thói quen từ lâu của họ, là dùng bún như món ăn sáng ngon bổ. Sớm tinh mơ ở cố đô, dạo quanh một dãy phố hãy còn phủ sương lạnh, bạn có thể dễ dàng trông thấy vài gánh bún bò đơn sơ, nghi ngút khói. Các o, các mệ bán bún rảo bước nhẹ nhàng với quang gánh mộc mạc trên vai, rồi âm thầm đặt gánh xuống nơi góc đường quen thuộc. Ai thèm ăn cứ việc lấy chiếc ghế nhỏ ngồi quanh gánh bún nóng hổi, chuyện trò rôm rả trong khi đợi đến lượt gọi món. Tất cả làm nên một hình ảnh thân thuộc về Huế, như góp phần phản ánh nếp sống dung dị, đã “bắt nhịp” từ trăm năm trước.
Có thể nói, một món ăn đầy đủ vị cay, thơm, ngọt, béo như bún bò Huế chính là đại diện tiêu biểu cho linh hồn của ẩm thực xứ Huế – một vùng đất đôn hậu, hiền hòa nhưng lại ẩn chứa những giá trị đậm đà bản sắc văn hoá cố đô. Ấn tượng lẫn vẻ đẹp ẩm thực tiêu biểu – hiện diện nơi tô bún bò, là nét kết hợp đầy lý thú của nghệ thuật chế biến truyền thống, cùng hương vị chan chứa đậm đà mà vẫn thanh tao, dung hòa hoàn hảo.