Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn năm 2021 THPT Chuyên Lê Quý Đôn
- ĐỌC HIỂU (4,0 điểm) Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi:
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.
(Trích SGK, Ngữ văn 9, tập 1)
Câu 1. (1,0 điểm) Đoạn thơ trên trích từ văn bản nào? Tác giả là ai? Cho biết hoàn cảnh sáng tác của bài thơ đó.
Câu 2. (1,0 điểm) Nhan đề bài thơ được cấu tạo bởi những từ loại nào? Từ đó, cho biết ý nghĩa nhan đề của bài thơ trên,
Câu 3. (1,0 điểm) Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ dưới đây:
“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời” .
Câu 4. (1,0 điểm) Chúng ta đang sống trong những ngày tháng vô cùng khó khăn khi phải chiến đấu với dịch bệnh COVID-19, đoạn thơ trên gợi cho em những tình cảm gì về ý nghĩa cuộc sống, về khát vọng cống hiến của mỗi con người, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với quê hương, đất nước?
- LÀM VĂN (6,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của em về tinh thần đoàn kết
Câu 2. (4,0 điểm)
Phân tích tình yêu làng, yêu nước của nhân vật ông Hai trong văn bản “Làng” của Kim Lân.
Đáp án đề thi vào 10 môn Văn chung năm 2021
- ĐỌC HIỂU
Câu 1:
Đoạn thơ trích từ văn bản “Mùa xuân nho nhỏ” của tác giả Thanh Hải.
Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ được viết vào tháng 11/1980, không bao lâu trước khi nhà thơ qua đời.
Câu 2:
– Nhan đề “Mùa xuân nho nhỏ” được cấu tạo bởi danh từ “Mùa xuân” và tính từ “nho nhỏ”.
– Ý nghĩa: “Mùa xuân nho nhỏ” là một sáng tác độc đáo, một phát hiện mới mẻ của nhà thơ:
+ Mùa xuân” mang ý nghĩa tả thực – đó là mùa khởi đầu của một năm, là mùa của lộc non lá biếc, của vạn vật sinh sôi nảy nở. “Mùa xuân” còn mang ý nghĩa ẩn dụ, biểu tượng cho những gì tinh túy, đẹp đẽ nhất của sự sống và cuộc đời mỗi con người. Mùa xuân hay chính là sức trẻ trong tâm hồn và trí tuệ, là nhiệt huyết và năng lực cống hiến của mỗi người vào mùa xuân lớn của thiên nhiên, của đất nước.
+ Từ láy “nho nhỏ” làm rõ hơn đặc điểm của mùa xuân rất giản dị, rất khiêm nhường. => Hình ảnh “Mùa xuân nho nhỏ” là biểu tượng cho những gì tinh túy, đẹp đẽ nhất của sự sống và cuộc đời mỗi con người.
+ Thể hiện quan niệm về sự thống nhất giữa cái riêng với cái chung, giữa cá nhân và cộng đồng.
+ Thể hiện nguyện ước của nhà thơ muốn làm một mùa xuân, nghĩa là sống đẹp, sống với tất cả sức sống tươi trẻ của mình nhưng rất khiêm nhường là một mùa xuân nhỏ góp vào mùa xuân lớn của thiên nhiên, đất nước, của cuộc đời chung và khát vọng sống chân thành, cao đẹp của nhà thơ. Đó cũng chính là chủ đề của bài thơ mà tác giả muốn gửi gắm.
Câu 3:
Hai câu trên sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ
Thể hiện khát vọng sống đẹp, sống với tất cả sức sống tươi trẻ của mình nhưng rất khiêm nhường là 1 mùa xuân nhỏ góp vào mùa xuân lớn của đất nước, của cuộc đời chung.
Câu 4:
Học sinh trình bày theo cảm nhận của mình, có lý giải hợp lý
Gợi ý:
Trong những ngày tháng khó khăn khi phải chiến đấu với dịch bệnh COVID – 19, đoạn thơ đã gợi cho em về khát vọng sống mãnh liệt trong mỗi con người, đồng thời với đó là tình yêu thương và mong muốn dâng hiến hết mình cho quê hương, đất nước nói riêng, cho cả cuộc đời rộng lớn nói chung. Đó là hình ảnh những anh chị tình nguyện viên không ngại khó, không sợ khổ lao vào tâm dịch giúp đỡ người dân; là bóng dáng những anh hùng áo trắng ngày đêm chăm lo cho người bệnh không tiếc thân mình, hay cả những tấm gương chống dịch, giúp đỡ cộng đồng trong khả năng của bản thân,… Tất cả nhắc nhở chúng em về vai trò, trách nhiệm của bản thân mình. Là một học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng em phải tự giác học tập và rèn luyện không ngừng để tích lũy kiến thức và trau dồi kinh nghiệm, tùy theo sức của mình mà giúp đỡ cộng đồng xung quanh, sau này trở thành một công dân tốt có ích cho xã hội, đất nước.
- LÀM VĂN
Câu 1:
- Mở đoạn
– Giới thiệu, dẫn dắt về vấn đề cần nghị luận: Tinh thần đoàn kết dân tộc. Tinh thần đoàn kết dân tộc là truyền thống quý báu của người Việt Nam, trải qua bao thế hệ, lịch sử. Tinh thần ấy cho đến nay vẫn luôn được kế thừa và phát huy trong xã hội. Và, trong trận đại dịch COVID-19 vừa qua, tinh thần ấy lại được thắp sáng, trở thành phong trào vô cùng rộng lớn, mạnh mẽ.
- Thân đoạn
– Giải thích:
Tinh thần đoàn kết chính là tình yêu thương giữa người với người, sống có trách nhiệm với cộng đồng, sẵn sàng giúp đỡ, ra tay cứu người trong lúc hoạn nạn.
– Vai trò, sức mạnh, ý nghĩa của tinh thần đoàn kết:
+ Đoàn kết dân tộc tạo nên sức mạnh to lớn đối với thời cuộc đất nước, là việc nên làm, giúp gắn kết con người với con người trong một xã hội.
+ Tinh thần đoàn kết dân tộc khiến con người biết bao dung, biết cách cho, nhường nhịn và sẻ chia.
+ Tinh thần đoàn kết giúp đem lại cuộc sống hòa bình, tốt đẹp. Mỗi người biết cách nhìn cuộc sống một cách tích cực hơn. Chúng ta có thể nhìn thấy truyền thống dân tộc ấy được phát huy trong tình hình chống “giặc” COVID-19.
– Dẫn chứng, chứng minh hành động cụ thể:
+ Trong bối cảnh ngày nay, tinh thần ấy một lần nữa được khẳng định mạnh mẽ. Dịch bệnh COVID-19 đã càn quét, gây ảnh hưởng về Sức Khỏe, kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Là một nước nằm trong vùng ảnh hưởng của dịch bệnh, Việt Nam đã có những cách xử lý tuyệt vời, làm thế giới thán phục. Có thể nói, chính nhờ sức mạnh của tinh thần đoàn kết đã giúp đất nước ta bước đầu chiến thắng trên mặt trận chống virus SARS-CoV2.
+ Ngay từ lúc dịch bệnh bùng phát, giữa bối cảnh nhiều quốc gia hoang mang lo lắng, chính phủ nước ta đã có động thái quyết tâm, thể hiện trách nhiệm bảo vệ, giúp đỡ công dân, tạo điều kiện đón họ trở về từ vùng dịch. Phương ngôn của Thủ tướng chính phủ lúc đó chính là “Việt Nam quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau, trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19”.
+ Các hoạt động thiện nguyện, “lá lành đùm lá rách”, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn.
+ Cây ATM phát gạo miễn phí. Nhiều nhóm thiện nguyện đã tổ chức địa điểm phát đồ ăn, nước uống…
+ Sự hi sinh của các bác sĩ tuyến đấu chống dịch COVID-19.
+ Học sinh, sinh viên các trường đại học phát khẩu trang, nước rửa tay cho người dân.
– Phê phán những hành động xấu Bên cạnh những việc làm tốt đẹp, thể hiện tinh thần đoàn kết đó, có không ít trường hợp ích kỉ, lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi cá nhân.
+ Nâng mức giá khẩu trang, dung dịch rửa tay lên cao để kiếm chác lợi nhuận.
+ Tệ hại hơn nữa là kinh doanh khẩu trang giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
+ Tung tin đồn thất thiệt về dịch bệnh, gây hoang mang dư luận…
– Phát huy tinh thần đoàn kết:
Qua những hành động tốt đẹp, ý nghĩa đó giúp ta thêm yêu, tự hào về dân tộc hơn. Là người con của Việt Nam, chúng ta cần nhắc nhở bản thân phải giữ gìn và nhân rộng tinh thần ấy.
III. Kết đoạn
– Tinh thần đoàn kết là đức tính tốt, rất cần thiết cho con người.
– Bản thân luôn gắn kết, hòa hợp với mọi người xung quanh tạo nên tình đoàn kết theo đúng nghĩa của nó
Câu 2:
- Mở bài
– Giới thiệu khái quát về tác giả Kim Lân (những nét cơ bản về con người, cuộc đời, đặc điểm sáng tác,…)
– Giới thiệu khái quát về truyện ngắn “Làng” (xuất xứ, hoàn cảnh ra đời, những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật,…)
– Giới thiệu khái quát về nhân vật ông Hai.
- Thân bài
- Tình yêu làng của ông Hai:
*Niềm tự hào, kiêu hãnh của ông Hai về Làng của mình: Dù đã rời làng nhưng ông vẫn luôn:
– Nghĩ về làng của mình, nghĩ về những buổi làm việc cùng anh em.
– Lo lắng, nhớ đến làng: “Chao ôi! Ông lão nhớ cái làng này quá”
*Tâm trạng của ông Hai khi nghe tin làng của mình đi theo giặc:
– Cổ ống nghẹn, giọng lạc hẳn đi.
– Lúc đầu ông không tin nên hỏi lại.
– Ông quá xấu hổ nên đã chép miệng, đánh trống lảng: “Hà, nắng gớm, về nào…” rồi cúi mặt mà đi.
– Khi về nhà, ông nằm vật ra giường. Tối hôm đó ông trằn trọc không ngủ được.
– Ông nhìn trẻ ngây thơ mà bị mang tiếng Việt gian rồi khóc.
– Ông điểm lại mọi người trong làng nhưng thấy ai cũng có tinh thần cả nên ông vẫn không tin lại có ai làm điều nhục nhã ấy.
– Lo sợ sẽ bị bà chủ nhà đuổi vì ông biết rằng nơi đây ai cũng khinh bỉ và không chứa chấp Việt gian.
=> Với ông Hai, tin làm Chợ Dầu theo giặc là một cú “sốc” lớn. Niềm tự hào về làng của ông sụp đổ, tan tành trước cái tin sét đánh ấy. Cái mà ông yêu quý nhất này cũng đã quay lưng lại với ông. Không chỉ xấu hổ trước bà con mà ông cũng tự thấy mất đi hạnh phúc của riêng ông, cuộc đời ông cũng như đã chết đi một lần nữa.
*Tâm trạng của ông Hai sau khi nghe tin làm được cải chính:
– Mặt ông vui tươi, rạng rỡ hẳn lên.
– Về nhà, ông chia quà cho lũ trẻ xong liền chạy khắp xóm để loan tin.
– Ông qua nhà bác Thứ và kể chuyện làng của mình
-> đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến của ông Hai.
- Tình yêu nước, yêu kháng chiến của ông Hai:
– Hồi ở làng, ông rất tích cực tham gia kháng chiến, cùng anh em đào đường, đắp ụ, xẻ hào, khuân đá,..
– “Ruột gan ông lão cứ múa cả lên, vui quá!” khi nghe các tin dân ta đánh Tây từ phòng thông tin.
– Khi nghe tin làng Chợ Dầu theo tây, ông kiên quyết không về các làng ấy nữa”Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. – Ông và con ông đều ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh ( cuộc đối thoại giữa hai cha con): “Anh em đồng chí biết cho bố con ông. Cụ Hồ trên đầu trên cổ xét soi cho bố con ông”. – Ông hoan hỉ, hồ hởi thông báo: “Tây nó đốt nhà tôi rồi ông chủ ạ! đốt nhẵn!”.
->Như vậy, ở ông Hai, tình yêu làng là cơ sở cho tình yêu nước, yêu kháng chiến. Song, tình yêu nước, yêu kháng chiến. Song, tình yêu nước, yêu cách mạng có ý nghĩa định hướng cho tình yêu làng.
-> Nhân vật ông Hai đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả bởi tình yêu làng, yêu nước, yêu cách mạng nồng nàn, thắm thiết. Những tình cảm ấy hài hòa, thống nhất, hòa quyện vào nhau, thật cảm động. Điều này cho thấy những chuyển biến mới trong nhận thức và tình cảm của người nông dân Việt Nam thời kì kháng chiến chống Pháp.
- Kết bài: Khái quát về những vẻ đẹp cơ bản trong tình yêu làng và tình yêu nước của nhân vật ông Hai, các biện pháp nghệ thuật trong văn bản và nêu cảm nghĩ của bản thân.